Khi nói đến “sơn mài”, “sơn dầu” hay “lụa” là đang đề cập đến mặt chất liệu của một bức tranh. Chất liệu trong hội họa cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nội dung của tranh, đó có thể là ý* trong tranh, phong cách hay hình thức thể hiện. Việc tìm hiểu quy trình vẽ tranh của một chất liệu, ở đây là sơn mài, ngoài việc để biết các công đoạn từ khởi đầu đến kết thúc cũng có thể giúp người thưởng ngoạn hình dung ra sự tác động hay ảnh hưởng như thế nào của một lọat chất liệu đặc thù đến phong cách tạo hình của mỗi nghệ sỹ.

Thao tác thực hiện một bức tranh sơn mài truyền thống** sẽ phải tuân thủ những bước cơ bản như sau :

  • Phác thảo bố cục tranh,
  • Phóng lớn phác thảo bằng kích thước tranh thật,
  • Lên vóc- hay vẽ trên vóc,
  • Mài-vẽ
  • Toát sơn và đánh bóng tranh.

Bước 1- phác thảo bố cục

Phác thảo là từ chuyên môn chỉ việc người ta vẽ nháp ý đồ lên giấy- đưa ra các giải pháp bố cục (xắp sếp) khác nhau về hình và màu bằng kích thước nhỏ để dễ điều chỉnh và từ đó tìm ra những giải pháp bố cục tốt nhất, đây là một công việc bắt buộc cho loại tranh có ý rõ ràng, cụ thể.

Với chất liệu sơn mài- một chất liệu khá tốn kém, đắt đỏ cũng như đặc trưng trong xử lý chất liệu là kém linh động trong việc cho phép sửa đổi các mảng hình- vẽ chết- như sẽ thấy ở phần “lên vóc”. Việc làm phác thảo kỹ lưỡng là một bước giúp cho công việc sau này được trôi chảy.

Hình thành phác thảo trắng đen và phác thảo màu (thường được vẽ bằng màu bột) dựa theo ý và đề tài. Với một nhà chuyên nghiệp, việc làm phác thảo trắng đen sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho những bước sau này, bởi họ biết rằng hình và sắc độ là tối quan trọng. Các họa sỹ giàu kinh nghiệm có thể thực hiện bước này ở trong tâm trí.

Bước 2- phóng lớn phác thảo

Phóng lớn phác thảo là bước chuyển từ phác thảo nhỏ thành bức vẽ có kích thước tranh dự kiến (kích thước của vóc), người ta thường vẽ bằng than để dễ chỉnh sửa các chi tiết cho tranh thêm tinh tế. Đây là bước không kém phần quan trọng bởi khi vẽ trực tiếp lên vóc, chi tiết được vẽ trước, hay những gì cần rõ ràng, mạch lạc nhất sẽ được vẽ ở lớp đầu tiên (để sau này khi mài các chi tiết dần hiện lên mà không bị mất- kỹ thuật cốt yếu của sơn mài là ở đây).

Ở bước này, người vẽ tranh cái khó nhất là phải vẽ đủ các chi tiết mà hơn cả phải truyền tải được tinh thần từ phác thảo lên tranh thuận với ý của mình.

Bước 3- lên vóc

Sau khi đã có bản vẽ phóng lớn với đầy đủ chi tiết bằng đúng với kích thước tranh, người ta vẽ sẽ vẽ tranh lên vóc. Và vì với sơn mài, các chi tiết cụ thể nhất, đúng nhất, đẹp nhất sẽ được vẽ ở những lớp đầu tiên và đây là điều làm nên sự khác biệt giữa cách vẽ sơn mài với các chất liệu khác, cũng có thể xem là một quy trình ngược- là điều mà chủ yếu dẫn đến những hạn chế, cản trở chính trong việc phổ biến chất liệu này.

Thao tác trên vóc gồm các bước tuần tự sau đây:

  • Đầu tiên- cẩn vỏ trứng, ốc, xà cừ…: Còn gọi chung là công đoạn cẩn trứng.
  • Tiếp theo là vẽ nét: là công đoạn tiếp theo- Các đường nét, các chi tiết cụ thể nhất thường được vẽ bằng sơn đen.
  • Cuối cùng là vẽ màu: sơn ta trộn với son hoặc phẩm màu (bao gồn cả việc xử lý bạc) được vẽ trực tiếp và vẽ phủ lên những lớp cẩn trứng hay nét đen đã vẽ trước đó.

Lớp vẽ màu đầu tiên- sự khác nhau về xử lý bạc giữa các mảng hình rất quan trọng

Cẩn trứng là từ chuyên môn chỉ việc cẩn các miếng vỏ trứng vịt, gà, vỏ ốc… xuống vóc theo những mảng hình đã được can*** và đục vóc****** sẵn từ trước.

Khác với sơn mài Trung Quốc và sơn mài mỹ nghệ dùng vỏ trứng để diễn tả, tranh sơn mài Việt Nam dùng trứng để vẽ các mảng sáng (với vỏ ốc, vỏ trai… để lấy màu hay tạo ma-che)

Cẩn trứng trên phần vóc đã được đục

Cũng có khi cẩn vỏ trai

Vẽ nét

Bước tiếp theo là vẽ nét: Người ta can*** nét bằng phấn từ bản phác thảo phóng lớn để lọc lấy bộ công-tua***** của hình đưa lên vóc.

Vẽ nét là một trong những bước góp phần tạo nên sự thành công của một bức tranh sơn mài. Nét trong sơn mài là để giữ hình, hỗ trợ tối đa cho hình trong trường hợp màu và sắc độ có sự chênh lệch không lớn giữa các mảng hình.

Vẽ nét là công đoạn thứ 2 sau khi cẩn và mài trứng

Sở dĩ bộ nét rất được chú trọng trong tranh sơn mài, bởi màu sắc của sơn mài không phong phú và rất hạn chế, cho nên, đế tách các mảng hình người ta phải dùng đến nét, đây là một biện pháp khắc phục điểm yếu chất liệu, song cũng chính là giải pháp thông minh. Lợi thế của nó nằm ở lối miêu tả không gian trên mặt phẳng hai chiều, vừa có vẻ công bút, vừa làm như thoải mái, phóng túng vung cọ mà vẫn tạo được độ nhặt – thưa của nét hay nông – sâu của hình.

Vẽ (hay pha trộn màu) là bước kế tiếp- kể cả việc xử lý bạc, vàng quỳ để tạo ra độ xốp và trong cho tranh.

Màu bột gốc dầu (hay loại màu bột tan trong dầu) pha trộn với sơn ta vẽ lên vóc khi lớp màu vừa vẽ song thì ngay đó sẽ xử lý bạc khi màu còn ướt (từ chuyên môn như thếp, rây, vỗ, xoa… để chỉ các cách xử lý khác nhau của vàng, bạc). Mỗi cách xử lý bạc khác nhau sẽ cho ra những ma-che khác nhau. Chú ý lớp vẽ màu đầu tiên nên sử lý bạc khác nhau ở mỗi màng hình, nếu như sơn dầu dùng bút pháp để tạo ma-che … khác nhau thì sơn mài có thể biến ảo khôn lường nhờ vào cách xử lý vàng, bạc.

Sau khi nét khô, trên một mảng hình các lớp màu được vẽ chồng lên nhau:

Một bức tranh sơn mài được xem là đầy đặn và sâu màu thông thường được vẽ từ ba lớp màu trở lên với các kim loại quý. Sau đó là công đoạn mài và sửa tranh. Vẻ đẹp của tranh có được từ việc xuất hiện những lớp màu chồng lên, đan quyện và tan lẫn vào nhau mà chỉ ở sơn ta mới có.

Bước 4- Mài- vẽ: là bước bắt buộc đối với sơn mài truyền thống. Mài tranh bằng nước với giấy nhán. Độ nhán của giấy ngày càng giảm theo quá trình hoàn tất tranh.

Tranh, sau khi đã vẽ đủ tối thiểu là ba lớp màu có xử lý bạc và một lớp màu phủ cuối cùng, chờ khô, sẽ đem mài với giấy nhám và nước, các lớp màu và hình sẽ dần hiện ra cùng với các chi tiết. Người mài tranh cũng là người tìm ra tương quan của tranh nên đến đâu là vừa, việc dừng lại hay mài tiếp tùy thuộc vào con mắt ngắm của người mài nên công đoạn này có tên “mài-vẽ” là vì thế.

Bước 5– Hoàn tất tranh: toát sơn và đánh bóng

Toát sơn: Là từ chuyên môm chỉ việc phủ thật đều một lớp sơn chín (pha loãng với dầu hỏa) lên toàn bộ mặt tranh, tỉ lệ pha tùy theo kinh nghiệm vẽ, nên pha thật loãng nếu tranh đã có tương quan tốt- độ sáng tối vừa đủ, sau đó ủ chờ khô để đánh bóng.

Đánh bóng: là công đoạn cuối của việc vẽ tranh- với tranh có kích thước nhỏ có thể dùng lòng bàn tay (với tranh lớn dùng vải bằng sợi coton mềm hoặc bông gòn) miết nhanh và mạnh lên mặt tranh.

Tuy nhiên, cách đánh bóng cụ thể tùy theo sở thích và kinh nghiệm. Đánh bóng không đơn thuần chỉ để cho tranh có độ bóng mà chính là nhằm tạo một lượng nhiệt nhỏ thông qua ma xát giúp cho các lớp màu tan chảy và hòa quyện, như vậy, sẽ cho tranh trong mặt (tranh có độ sáng, trong trẻo) và sâu màu.

Nói cho cùng, người nào đã thân thiết với sơn ta, biết quý vẻ đẹp đặc trưng của nó thì sẽ không bao giờ có thể làm khác đi được. Đó là vẽ và mài, điều này chỉ có người trực tiếp vẽ và vẽ đủ nhiều mới cảm nhận được.

————————————————————-

Chú thích:

Ý là nội dung, là vấn đề mà tác phẩm muốn đề cập tới, có thể rõ ý hoặc ẩn ý. Nhưng lạ thay, tranh sơn mài cũng không kém ngẫu nhiên và thú vị trong quá trình tác phẩm được tượng hình, bề mặt tranh có thể biến đổi hoàn toàn mà chính tác giả cũng cũng không ngờ đến.

** Truyền thống là những giá trị được khám phá, được khẳng định và được giữ gìn. Tranh sơn mài truyền thống là loại tranh được vẽ bằng sơn ta, được mài phẳng mịn và láng bóng.

*** Calque (can)– là bước chuyển hình, nét từ phác thảo phóng lớn sang vóc bằng giấy calque.

**** Matière (ma-che)– trong hội họa là từ chỉ sự phong phú của màu sắc hay sắc độ trong một mảng hình mà không làm phá vỡ mảng hình đó.

***** Contour (công-tua)– là đường viền bao quanh một hình thể, hay nói theo ngôn ngữ tạo hình, đây là bộ nét của hình thể.

****** Đục vóc: Với tranh sơn mài truyền thống người ta thường đục xuống vóc những diện tích sẽ được cẩn trứng- là một cách có để thể vẽ mỏng và, tranh vẽ khi mài sẽ mau phẳng.