Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cách gián làm chất kết dính; cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen. Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà người họa sĩ mong muốn, và sau cùng là đánh bóng tranh.

Tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam là một loại hình hội họa “ độ nhất vô nhị” trên thế giới vì nó có những điểm ngược đời sau:

1. Nét độc đáo thứ nhất, những loại tranh vẽ khác, khi muốn cho sơn mau khô thì người ta sẽ dung quạt thổi tranh hoặc phơi nắng. Nhưng tranh sơn mài thì hoàn toàn ngược lại, muốn lớp sơn vừa vẽ khô, thì phải ủ trong tủ ủ kín gió và thổi nhiều nước vào tủ ủ để tạo độ ẩm cao thì tranh sơn mài sẽ mau khô hơn.

2. Nét độc đáo thứ hai của tranh sơn mài là muốn nhìn thấy tranh,lại phải mài mòn những lớp sơn phủ phía trên mới thấy hình vẽ trên bức tranh, còn những loại tranh vẽ khác thì hình vẽ sẽ được nhìn thấy ngay sau khi kết thúc những nét vẽ của người họa sĩ.

Sản phẩm tranh sơn mài phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỉ mỉ và công phu. Thời gian hoàn thành một bức tranh tối thiểu là khoảng 3 đến 6 tháng, có những bức tranh sơn mài phải lên đến hàng nhiều năm trời mới hoàn tất. Ngoài ra, tranh sơn mài có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… làm cho phong phú về hình thức và thể loại tranh.

–  Về nguyên liệu và kỹ thuật thể hiện: sơn mài sử dụng nhựa cây sơn ta và các chất màu trong tự nhiên như: son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng, đem lại cảm thụ độc đáo mà các chất liệu công nghiệp không thể sánh được. Kỹ thuật thể hiện của mài phức tạp và công phu hơn các thể loại tranh khác. Người vẽ phải dự tính kỹ càng, tính toán tỉ mỉ, phải vẽ rất nhiều lớp để cuối cùng kết thúc bằng thao tác mài, để có sự ẩn hiện của các lớp màu phong phú. Chính sự thể hiện công phu này cũng góp phần làm nên giá trị của tranh sơn mài.

–  Về hiệu quả nghệ thuật: tranh sơn mài có màu sắc trầm ấm và sâu thẳm. Đặc điểm riêng về màu sắc cùng với đặc điểm về chất liệu làm cho sơn mài vừa thuần hậu, lại vừa sang trọng; vừa mang tính dân tộc lại vừa gần gũi với xu thế hiện đại. Tranh sơn mài Bình Dương đã hình thành một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đầy ảo giác lung linh.

Trong quá trình phát triển, nghệ thuật sơn mài Bình Dương đã có những bước cải tiến quan trọng: từ một số màu hạn hẹp, sơn mài giờ đây đã có một dãi màu đa sắc hơn, từ gam màu nóng đến gam màu lạnh. Các chất liệu truyền thống được bảo tồn nhưng phương pháp sử dụng chất liệu đa dạng hơn trước, cách mài tranh không nhất thiết mài nhẵn hoàn toàn mà tùy thuộc vào hiệu quả của nghệ thuật tranh. Những cải tiến này giúp nghệ sĩ tranh sơn mài ngày càng thỏa mãn được khát khao về biểu hiện sức sáng tạo trong một thể loại nghệ thuật tranh được đánh giá là độc đáo trên thế giới.